Gà mờ đi mua bất động sản, ôm phải đất có sổ đỏ nhưng không được xây dựng, loay hoay tìm cách chuyển đổi nhưng rất nan giải

Trường hợp của anh Nguyễn Văn Khương (Thanh Xuân, Hà Nội) là một ví dụ. Theo giới thiệu của bạn bè, anh mua 6 sào đất nông nghiệp, mục đích là để làm nhà cuối tuần.

Đất nông nghiệp rất rẻ, giá bán theo sào. Người bán hứa sẽ hỗ trợ chuyển đổi mục đích sang đất ở và đất vườn, nhưng cả năm nay vẫn chưa xong thủ tục.

Luật đất đai Việt Nam quy định rất rõ, chỉ có đất ở nông thôn (ONT) hoặc đất ở đô thị (ODT) mới được xây nhà ở kiên cố.

Với các loạt đất khác, nếu môi giới nào nói xây dựng được đều là ba hoa để khách hàng xuống cọc rồi tính tiếp.

Trên thực tế, chỉ có một số loại đất có thể chuyển đổi mục đích sử dụng được. Đó là đất vườn (trồng cây lâu năm), đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất… Việc chuyển đổi phải phù hợp với quy hoạch và theo đúng quy định của từng địa phương.

Theo quy định tại điểm d, e khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013 thì đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở muốn chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở thì phải xin phép và được chấp thuận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thủ tục chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở rất phức tạp

Căn cứ cho chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thổ cư cũng được quy định rất chặt chẽ:

Điều 52 Luật đất đai 2013 quy định căn cứ để cho phép chuyển mục đích sử dụng đất bao gồm:

(1) Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

(2) Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất.

Như vậy, luật không quy định cụ thể về điều kiện để được chuyển mục đích sử dụng đất mà sẽ tùy vào thời điểm thực tế, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được phê duyệt mà cơ quan có thẩm quyền quyết định cho hoặc không cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang thổ cư.

Thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được quy định tại Điều 59 Luật đất đai 2013:

– UBND cấp tỉnh quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức;

– UBND cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân.

Thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất sang thổ cư được quy định:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất

Người sử dụng đất chuẩn bị 01 bộ hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất bao gồm các loại giấy tờ sau đây:

– Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BTNMT;

Mẫu đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Bước 2: Nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất

Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất đến Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có đất để được giải quyết theo thẩm quyền.

Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành thẩm tra hồ sơ (dựa vào căn cứ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất), nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ thông báo và hướng dẫn người sử dụng đất bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Bước 3: Nộp tiền sử dụng đất theo Thông báo nộp tiền sử dụng đất

Bước 4: Nhận kết quả

Người sử dụng đất nhận quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi đã nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất.

Thời hạn giải quyết cho phép chuyển mục đích sử dụng đất là không quá 15 ngày (không kể thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất) hoặc không quá 25 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.

Quy định là vậy, nhưng trên thực tế người dân đi làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất gặp rất nhiều khó khăn.

Do vậy, khi mua đất, đừng ham rẻ mà mua đất nông nghiệp. Tốt nhất, chọn đất đã có sổ hồng, trong đó có đất ở và đất vườn. Như vậy, việc chuyển nhượng, sang tên sẽ rất đơn giản.